Xin chào mọi người, với kì trước khi chúng ta tìm hiểu về lịch sử, công dụng và các loại ly quần thì hôm nay chúng ta lại đến với một thứ khác trong classic menswear. Đó chính là các kiểu dáng thường gặp của những bộ suit mà rõ nét nhất là những bộ bespoke suit.
Trước khi nhập môn classic menswear tôi đã từng rất mơ hồ về các kiểu dáng. Đa phần đối với những người mới hoặc không quan tâm đến classic menswear thì sẽ có chung một ý kiến. Bộ nào cũng như bộ nào. Cứ đi một bộ gồm blazer cùng màu với quần thì sẽ cho ra một bộ suit. Ai tinh ý hơn thì phân biệt bằng số lượng nút gài mà chúng ta vẫn hay gọi tắt là áo 2 nút, 4 nút, 6 nút (nghe như đánh bài cào nhỉ
). Thật sự là như vậy, nhưng từ khi bắt tay vào tìm hiểu thì tôi mới biết rằng không phải chỉ vài kiểu mà là hằng hà sa số các kiểu dáng đến từ các vùng khác nhau trên thế giới và còn tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu cũng như loại vải nữa.
Số lượng các kiểu dáng được đặt tên tùy theo vùng sản sinh ra chúng. Như chúng ta có thể kể đến một số trường phái may riêng khá nổi tiếng đối với giới classic menswear thế giới như Florentine, Milanese, Neapolitan và còn rất nhiều nơi khác nữa. Ngày trước, người ở đâu thì mặc đồ xứ đó. Còn đối với ngày nay khi đi lại đã dễ dàng hơn trước cùng với đó là mọi thứ được hiện ra sau một cú click chuột trên internet thì các kiểu dáng suit đã thay đổi rất nhiều. Chính vì sự phổ cập internet mà ranh giới giữa các kiểu dáng đã ngày càng mờ nhạt cũng một phần do nhu cầu của người mặc. Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp một bộ suit với sự thoải mái của American style nhưng khi nhìn lên phần vai lại rất bay với chất của người Ý.
Luyên thuyên nhiều là vậy nhưng thực chất chúng ta có 4 kiểu dáng chính mà thường sẽ bắt gặp đối với những bộ suit.
1. CLASSIC BRITISH STYLE (KIỂU ANH CỔ ĐIỂN)
Nước Anh chính là cái nôi của thế giới về những món đồ âu phục và các kiểu dáng của Anh có lẽ cũng đã quá nổi tiếng trên thế giới. Phong cách của họ được thể hiện qua các seri phim cực ăn khách tiêu biểu như Peaky Blinders với tinh thần Anh quốc cổ điển. Hay đối với các bộ phim điện ảnh như Kingsman với những bộ suit Pinstripe quyền lực, 007 Skyfall hoặc Spectre với hình tượng điệp viên James Bond chỉn chu trong những bộ suit cũng như là tuxedo (dinner suit). Đúng với tinh thần cổ điển thì ở phong cách này có những chi tiết cực kì bảo thủ và an toàn đã duy trì hàng trăm năm nay. Với kiểu dáng này, phần đệm vai và ngực sẽ được làm rất dày dặn, tuy nhiên phần ngực sẽ được mở rộng một chút tạo không gian cho người mặc được cử động thoải mái. Phần eo sẽ được chiết sâu vào để tạo nên hiệu ứng đồng hồ cát nhằm tôn dáng người mặc. Với tinh thần bảo thủ như trên thì màu sắc chủ đạo của phong cách này luôn là navy hoặc ghi xám. Song song với đó là cách cắt vải, kiểu cắt cùng với cách xếp vải được giữ nguyên gần cả thế kỉ nay. Chúng ta có thể lấy Tommy Shelby là một người mặc điển hình cho kiểu dáng này.
Người Anh vốn dĩ rất rõ ràng, đâu ra đó trong việc phân loại trang phục mình mặc. Nên từ những bộ suit nghiêm chỉnh thì họ còn làm ra cả Sport Jacket, hay Blazer được dùng trong các hoạt động dã ngoại, cưỡi ngựa ở ngày xưa (khá là sang chảnh). Thêm một điểm chính làm nên tên tuổi cho kiểu dáng này đó là ở mặt chất liệu. Vì ở Anh thời tiết luôn lạnh và ẩm nên ta sẽ bắt gặp chất liệu chính đó chính là tweed và flannel. Vải tweed dệt họa tiết herringbone thì phải gọi là đỉnh cao luôn vì rất đẹp và đây cũng là chất liệu thể hiện được tinh thần Anh quốc trong từng bộ suit.
2. MODERN BRITISH STYLE (KIỂU ANH HIỆN ĐẠI)
Bắt nguồn từ việc giới trẻ cũng muốn ăn mặc đẹp nhưng vẫn đáp ứng được tiêu chí lễ nghi âu phục. Thêm vào đó là làm sao ăn mặc cho tinh tế và năng động. Như tôi đã đề cập ở số thứ nhất của seri này. Ngày nay chúng ta có thể bắt gặp mọi người mặc suit trong cả những ngày thường không vì một lí nào cả. Đơn giản vì đó là phong cách và là lối sống. Chính từ những nhu cầu trên mà kiểu dáng này ra đời.
Sở hữu trong mình toàn bộ các đặc điểm của kiểu Anh cổ điển nhưng phần đệm vai được làm với lót mỏng hơn và phần ngực cũng được gọt giũa mỏng manh hơn nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng và casual hơn rất nhiều. Áo ngắn và quần ôm hơn. Nét đặc trưng của kiểu dáng này để phân biệt với kiểu Anh cổ điển chính là phần vai. Thay vì phần vai của kiểu Anh cổ điển được làm xuông thì với kiểu dáng này các nhà may sẽ ráp phần tay áo với vai gồ nhẹ lên một chút. Nên nếu để phân biệt giữa hai kiểu dáng, bạn chỉ cần nhìn phần ngực và vai, rõ rệt nhất là phần ngực mỏng manh và nếu để ý kĩ sẽ thấy khác biệt ở phần vai.
Đến với số tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu hai kiểu dáng còn lại: American style và Italian style.
Viết ngày 13/2 – Với sự tham khảo và lấy ý tưởng từ The Truespoke Blog